Ứng dụng của Bát Quái trong phong thủy
Nhìn chung, nói về Phong Thủy ở Việt Nam, thì học thuyết Bát Trạch đã ăn sâu vào tư tưởng của con người Việt Nam. Câu nói cửa miệng điển hình của học thuyết này là: “Tôi tuổi này…hợp hướng nào?”. Nền tảng luận đoán của Bát Trạch dựa trên sự tương hợp hay xung khắc giữa 2 nhóm Đông – Tây tứ trạch. Bát là tám, Trạch là nhà.
Như vậy Bát Trạch là gồm 8 loại nhà được chia thành 2 nhóm, 4 loại nhà Đông và 4 loại nhà Tây. Dựa theo năm sinh mà cũng phân thành 8 loại người được chia thành 2 nhóm, 4 loại người Đông và 4 loại người Tây. Điều kiện lý tưởng nhất là người Đông ở nhà Đông, người Tây ở nhà Tây. Ngược lại thì là không tốt.
Những điều trên tuy có thể chưa phải là kiến thức Phong Thủy toàn vẹn, nhưng Bát Trạch chính là một trong những cách áp dụng Bát Quái rất hữu hiệu của người xưa.
Bát Quái không chỉ dừng lại trong Phong Thủy mà còn được sử dụng trong tất cả mọi lĩnh vực của nền cổ học phương Đông. Bát Quái còn dùng để diễn tả ngoại cảnh, hiện tượng, sự vật… ứng dụng trong võ thuật, trong y học, trong lịch thời gian, và thậm chí là trong mối quan hệ gia đình.
Cơ bản Bát Quái gồm tám quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Được ứng dụng lại như sau:
- Càn: bố Khôn: mẹ
- Chấn: anh trưởng Tốn: chị trưởng
- Khảm: anh kế Ly: chị kế
- Cấn: em trai út Đoài: em gái út
Thông thường mối quan hệ trong gia đình sẽ như sau:
- Bố (Càn) rất thương cô con gái rượu (con út – Đoài).
- Mẹ (Khôn) rất thương đứa con trai út (Cấn).
- Cô em kế mới lớn (Ly) thì rất nghe lời người anh cả năng động (Chấn). [chê bố mẹ già không hiểu tâm lýmới của con trẻ]
- Vậy nên chị (Tốn) bảo ban được cho em kế (Khảm). [chê bố mẹ già không năng động như con trẻ]
Khéo nhìn lại một chút, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy đây chính là mối quan hệ tốt đẹp nhất trong Bát Trạch. Mối quan hệ Sinh Khí.
(Càn – Đoài, Khôn – Cấn, Ly – Chấn, Tốn – Khảm.)
Tương tự, sẽ dễ dàng ta nhận thấy trong gia đình:
– Bố (Càn) sẽ rất nhức đầu với thói đỏng đảnh của cô ba (Ly).
– Mẹ (Khôn) sẽ không vui vì sự ù lỳ của anh ba (Khảm).
– Chị cả (Tốn) không hài lòng sự ỷ lại của em út (Cấn) vì được mẹ (Khôn) che chở.
– Anh cả (Chấn) khó mà huấn dụ cô út (Đoài) vì được bố (Càn) bảo bọc.
Đây chính là mối quan hệ Tuyệt Mạng, loại quan hệ xấu nhất trong tương quan Bát Trạch. (Càn – Ly, Khôn – Khảm, Tốn – Cấn, Chấn – Đoài).
Tương tự như vậy cho các mối quan hệ khác…
Qua những điều trên, hẵn các bạn thấy được sự quy luật áp dụng của Bát Trạch vận hành một cách rất “con người” ra sao. Chứ không phải chỉ là những công thức hoặc câu khẩu quyết từ chương mà chúng ta học thuộc lòng.
Hẵn sẽ có những người rất tinh ý và thắc mắc rằng: quy luật Bát Trạch vận hành theo con người, hay mối quan hệ của con người vận hành theo quy luật Bát Trạch… Thật ra mà nói, yếu tố con người – Nhân – là một phần không thể tách rời của bộ ba Thiên, Địa, Nhân. Do vậy không phải là con người vận hành theo quy luật Bát Trạch hay quy luật Bát trạch vận hành theo con người mà hai điều này đều vận hành theo một quy luật chung thống nhất, quy luật của Bát Quái.
Leave a Reply